Website Liên kết
Năng lượng
14/01/2016 10:15
Kinh nghiệm của thế giới cho thấy rằng: Từ những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX, sau cuộc khủng hoảng về dầu lửa trên qui mô toàn cầu, nhiều quốc gia đã khẩn trương tìm đến những nguồn năng lượng tự nhiên dồi dào, có sẵn, việc khai thác nó lại nằm trong tầm tay con người như: Năng lượng mặt trời (Solar Ennergy); Năng lượng gió (Wind Power); Năng lượng địa nhiệt (Geothermal); Năng lượng sinh khối (Bio mass); Năng lượng sóng biển ( Motion of Ocean)…
Thực tế, qua đối sánh về hiệu quả kinh tế xã hội, môi trường cho thấy việc khai thác sử dụng năng lượng gió được đánh giá như một triển vọng lớn, dễ chấp nhận ở nhiều quốc gia có điều kiện tự nhiên về nguồn gió quanh năm với những ưu thế chung nhất: Thiết bị đơn giản, cung cấp điện năng ổn định và không ảnh hưởng đến môi trường sống.
May thay, những ưu thế chung ấy lại hội tụ đủ vào điều kiện địa lý thiên nhiên của nước ta với hơn 3000km bờ biển, có chế độ gió mùa quanh năm. Các nhà nghiên cứu năng lượng, các nhà khoa học qua khảo sát, kiểm định, đối sánh đã tìm ra được những vị trí tối ưu để đặt các nhà máy phát nguồn năng lượng gió với qui mô lớn tại Việt Nam. Và Bình Định được coi là vị trí tương đối lý tưởng.
Ngày 12/9/2007, Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 được khởi công xây dựng trong Khu kinh tế Nhơn Hội, thuộc địa bàn 2 xã Cát Chánh và Cát Tiến nằm trên địa bàn bán đảo Phương Mai, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đây là nhà máy phong điện đầu tiên tại Bình Định do Công ty cổ phần Phong điện Miền Trung – CENWINDCO làm chủ đầu tư, theo quyết định phê duyệt qui hoạch của Chính phủ với tổng diện tích mặt bằng 140 ha và tổng vốn đầu tư 35,7 triệu USD. Đây cũng là dự án sản xuất điện sạch từ năng lượng gió có công suất lớn (21 MW) đầu tiên ở Việt Nam gồm: 14 tua- bin FL-MD77/1500 kW, 14 máy biến áp: 0,69/22 kV của các công ty thiết bị kỹ thuật hiện đại hàng đầu thế giới về năng lượng gió như Đức, Đan Mạch cung cấp. Với công suất này, Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia trên địa bàn Bình Định sản lượng điện 55 triệu kWh/năm. Đây là tín hiệu vui không những cho Bình Định mà còn là cú hích cho các địa phương cả nước có điều kiện phát triển, khai thác nguồn năng lượng gió của mình.
Được biết, Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 đặt tại khu vực phía Bắc bán đảo Phương Mai (còn gọi là Phước Mai C). Bán đảo này gồm các xã Nhơn Hải, Nhơn Hội và Nhơn Lý (thuộc thành phố Quy Nhơn), xã Phước Hoà )thuộc huyện Tuy Phước), xã Cát Chánh và Cát Tiến (thuộc huyện Phù Cát). Trải dài trên 21 km, chiều rộng bán đảo từ 3-5 km. Khuôn viên Nhà máy và bãi đặt động cơ gió được bố trí trên toàn bộ đồi cát thuộc 2 xã Cát Tiến và Cát Chánh. Đây là vị trí lý tưởng nhất, bởi qua khảo sát địa hình phía Bắc bán đảo Phương Mai có dãy Núi Bà có đỉnh cao nhất là 609 m, có tác dụng như một tấm bình phong hướng luồng gió vào đất liền. Ngoài địa hình, qua khảo sát về chế độ và tốc độ gió cho thấy, Nhà máy sẽ hứng được 2 hướng gió chủ đạo quanh năm: Hướng gió Đông Bắc thuộc thời kỳ gió mùa mùa Đông và hướng gió Tây Nam thuộc thời kỳ gió mùa – mùa hè. Điều khá lý thú là với chế độ gió qua khảo sát được trên địa bàn thì từ 10 giờ đến 21 giờ, tốc độ gió cao hơn thời gian từ 22 đến 9 giờ trong ngày. Do đó, việc phát điện của Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 sẽ góp phần đáp ứng được cao điểm sử dụng điện của địa phương.
Trên mặt bằng 140 ha này, cơ ngơi và cảnh quan của Nhà máy và các tháp động cơ gió sẽ tạo ra những điểm nhấn nổi bật để hình thành cơ sở hạ tầng cho khu du lịch sinh thái mới. Kết hợp với hệ thống giao thông đã hình thành: Cầu đường Qui Nhơn – Nhơn Hội, cây cầu Thị Nại đầy ấn tượng nối với tuyến đường ven biển từ Thành phố Qui Nhơn về Hoài Nhơn, mở ra những khu dân cư mới được quy hoạch bài bản. Tiềm năng đa dạng về du lịch và hội nhập cũng sẽ được đánh thức cùng Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 khi thanh cái Nhà máy bắt đầu chuyển dòng điện đầu tiên lên lưới điện quốc gia.