Website Liên kết
Hệ thống sấy là gì và phân loại
16/09/2020 11:20
Sấy là gì ? Phân loại các phương pháp sấy
Sấy là gì ?
Sấy là sự bốc hơi nước của sản phẩm bằng nhiệt ở nhiệt độ thích hợp, là quá trình khuếch tán do chênh lệch ẩm ở bề mặt và bên trong vật liệu, hay nói cách khác do chênh lệch áp suất hơi riêng phần ở bề mặt vật liệu và môi trường xung quanh.
Sấy là một khâu quan trọng trong dây truyền công nghệ, được sử dụng phổ biến ở nhiều ngành công nghiệp chế biến nông – lâm – hải sản. Sấy không chỉ đơn thuần là tách nước và hơi nước ra khỏi vật liệu mà là một quá trình công nghệ phức tạp, đòi hỏi vật liệu sau khi sấy phải đảm bảo chất lượng theo một chỉ tiêu nào đó với mức chi phí năng lượng(điện năng, nhiệt năng) tối thiểu.
Phân loại phương pháp sấy
Quá trình sấy gồm 02 phương thức: sấy tự nhiên và sấy nhân tạo.
Sấy tự nhiên
Tiến hành bay hơi bằng năng lượng tự nhiên như mặt trời, năng lượng gió…còn gọi là phơi sấy tự nhiên. Phương pháp này đỡ tốn nhiệt năng, nhưng không chủ động điều chỉnh được vận tốc quá trình theo yêu cầu kỹ thuật, năng suất thấp,…
Sấy nhân tạo
Thường được tiến hành trong các loại thiết bị sấy để cung cấp nhiệt cho các vật liệu ẩm. Sấy nhân tạo có nhiều dạng, tùy theo phương pháp truyền nhiệt mà trong kỹ thuật sấy có thể được phân loại như sau:
Phân loại theo cách cấp nhiệt
1. Phương pháp sấy đối lưu: là phương pháp sấy cho tiếp xúc trực tiếp vật liệu sấy với tác nhân sấy là không khí nóng, khói lò,…
2. Phương pháp sấy tiếp xúc: Trong phương pháp sấy này, việc cấp nhiệt cho vật liệu sấy thực hiện bằng dẫn nhiệt do vật sấy tiếp xúc với bề mặt có nhiệt độ cao hơn.
3. Phương pháp sấy dùng điện trường cao tần: Trong phương pháp này, người ta để vật ẩm trong điện trường tần số cao. Vật ẩm sẽ được nóng lên. Trường hợp này môi chất sấy không làm nhiệm vụ gia nhiệt cho vật.
4. Phương pháp sấy bằng tia hồng ngoại: là phương pháp sấy dùng năng lượng của tia hồng ngoại do nguồn nhiệt phát ra truyền cho vật liệu sấy.
5. Phương pháp sấy lạnh: là phương pháp sấy trong điều kiện nhiệt độ và ẩm của tác nhân sấy thấp hơn nhiều so với môi trường Nhiệt độ thấp để đảm bảo đặc tính cảm quan của sản phẩm, còn ẩm thấp để tạo ra chênh lệch ẩm, do đó ẩm trong vật liệu sẽ thoát ra ngoài dễ dàng. Ở đây, ta có sấy lạnh nhiệt độ từ 0oC trở lên và sấy lạnh đông sâu hay còn gọi là sấy thăng hoa.
6. Phương pháp sấy chân không: Là phương pháp sấy được vật liệu không chịu được nhiệt độ cao hay dễ bị oxy hoá, vật liệu dễ bị bụi hay vật liệu thoát ra dung môi quý cần thu hồi và vật liệu dễ nổ.
Phân loại theo chế độ thải ẩm
- Phương pháp sấy bằng áp suất khí quyển: Trong phương pháp này, áp suất buồng sấy bằng áp suất khí quyển. Việc thoát ẩm do môi chất sấy đảm nhiệm hoặc sấy ở nhiệt độ cao hơn 100oC thì ẩm tự thoát vào môi trường.
- Phương pháp sấy chân không: Trong phương pháp này, áp suất buồng sấy nhỏ hơn áp suất môi trường. Vì vậy, không thể dùng môi chất sấy đảm nhiệm việc thải ẩm. Việc thải ẩm phải dùng máy hút chân không hoặc kết hợp với thiết bị ngưng tụ hay ngưng kết ẩm.
Phân loại theo cách xử lý không khí
- Phương pháp sấy dùng nhiệt: người ta gia nhiệt cho không khí để làm giảm độ chứa hơi, sau đó đưa vào buồng sấy, tùy vào yêu cầu của vật liệu sấy ta có hai dạng là sấy nóng và sấy lạnh.
- Phương pháp sấy dùng xử lý ẩm (hút ẩm): Trong phương pháp này, người ta dùng vật liệu hút ẩm như silicagen hay thiết bị hút ẩm.
- Phương pháp kết hợp gia nhiệt và hút ẩm.
Bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu được sấy là gì và các phương pháp sấy hiện nay. Mời các bạn đón chờ bài viết tiếp theo nhé!